Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

Thứ năm - 02/04/2020 08:06
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3

 

Nhiều dân tộc trên thế giới đều có cách lý giải khác nhau về sự ra đời của dân tộc mình, nhưng có lẽ hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam, cả dân tộc có chung ngày Giỗ Tổ. Từ truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, mỗi người dân Việt Nam dù ở nơi đâu đều tâm niệm và tự hào được sinh ra từ một nguồn cội. Vì thế, người Việt gọi nhau bằng hai tiếng tha thiết: Đồng bào.
  
Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng Lạc Long Quân “lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh ra trăm trứng là tổ của Bách Việt. Một hôm vua bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển. Phong con trưởng làm Hùng Vương nối ngôi vua”. 
 
Để xây dựng một quốc gia thống nhất và hùng cường, để cấu kết lòng dân thành một khối vững chắc, cha ông ta đã gửi gắm bao điều vào truyền thuyết đẹp này. Theo thuyết ngũ hành, rừng (tiên) thuộc dương; biển (rồng) thuộc âm, vậy mà cha Lạc Long Quân lại có nguồn gốc của rồng, từ biển, tức âm; mẹ Âu Cơ thì ứng với rừng, thuộc dương. Đó là một biểu trưng thống nhất tuyệt vời, bởi bản chất và mối quan hệ giữa âm và dương là trong dương có âm, trong âm có dương, có vậy mới thống nhất và trường cửu. Âm dương gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hóa cho nhau. Âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương, dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm. Ngày và đêm, tối và sáng, mưa và nắng, nóng và lạnh,... luôn chuyển hóa cho nhau. Cây màu xanh từ đất “đen”, sau khi lớn chín “vàng” rồi hóa “đỏ” và cuối cùng lại rụng xuống và thối rữa để trở lại màu “đen” của đất. Từ nước lạnh (âm) nếu được đun nóng đến cùng cực thì bốc hơi lên trời (thành dương), và ngược lại, nếu được làm lạnh đến cùng cực thì nó sẽ thành nước đá (thành âm). Ngay trong buổi bình minh trứng nước của dân tộc ấy, cha mẹ chúng ta đã ý thức cao độ về bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc không phải chỉ trên đất liền mà còn trên biển cả bao la - nơi sẽ là nguồn sinh tồn của dân tộc Việt. Bởi vậy, năm mươi người con đã theo cha xuống biển, bốn chín người con theo mẹ lên rừng, người con trưởng ở lại làm vua, đóng đô tại Văn Lang, nay là Phong Châu, Phú Thọ để bắt đầu từ đây, trong tâm thức của người Việt, nỗi hoài niệm về tổ tiên, về cội nguồn ngày càng da diết. 
 
Để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cha mẹ chúng ta đã phải xa nhau. Dân tộc chúng ta đã trở thành một dân tộc chia ly ngay từ buổi ấy. Chia ly để giữ gìn, chia ly để đoàn tụ, chia ly để thống nhất. Trước khi ra đi, cha Lạc Long Quân không quên dặn lại rằng: “Ta là loài rồng, nàng là giống tiên, khó ở với nhau lâu dài. Nay ta đem năm mươi con về miền biển, còn nàng đem năm mươi con về miền núi, chia nhau trị vì các nơi, kẻ lên núi, người xuống biển, nếu gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, đừng có quên”. Cũng từ buổi bình minh trứng nước ấy, khát vọng thống nhất và đoàn tụ luôn là khát vọng lớn nhất của dân tộc này. Có phải vì vậy mà suốt mấy nghìn năm lịch sử, không một thế lực nào, không một kẻ thù nào dù tàn bạo, nham hiểm đến đâu có thể chia cắt đất nước này. Đất nước có khi tan nhưng rồi lại hợp. Mỗi khi Tổ quốc lâm nguy thì tinh thần đoàn kết của người Việt lại bùng lên dữ dội; đạp bằng chông gai, nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước. 
 
“Cây có cội, nước có nguồn, con chim có tổ, con người có tông” (ca dao). Ngày 10 tháng 3 Giỗ Tổ Hùng Vương, dâng nén nhang tưởng nhớ Tổ tiên mình, xin hãy nhớ lời cha ông nhắn nhủ: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/ Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (Ca dao). Đó là thông điệp lớn nhất mà cha ông ta gửi gắm. Chỉ khi hiểu tổ tiên mình, sẽ thêm yêu đất nước mình hơn.
 
VŨ TRUNG KIÊN
(nguồn: baolamdong.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây