Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

Thứ sáu - 02/09/2022 16:01
Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945

 

Cách đây 77 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Áng văn bất hủ của Người đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn chứa đựng những giá trị to lớn và ý nghĩa thời đại.

 

Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu
Ngày 2/9/1945, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

 
Về giá trị lịch sử của Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, trước nhất đó là: Tuyên ngôn độc lập là nền tảng của Hiến pháp - đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam.
 
Tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện nhiều việc quan trọng, trong đó có Tổng tuyển cử và ban hành Hiến pháp. Hiến pháp năm 1946 ra đời, là một Hiến pháp dân chủ, Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Hiến pháp thể hiện sâu sắc nguyên lý cơ bản được nêu trong Tuyên ngôn độc lập: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”; đồng thời, Hiến pháp cũng thể hiện mạnh mẽ quyền được hưởng tự do, độc lập và ý chí quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.
Kế thừa và phát triển Hiến pháp năm 1946, Nhà nước ta có những Hiến pháp tiếp theo: Hiến pháp 1959, 1980, 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001). Và đến ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi năm 2013), gọi tắt là Hiến pháp năm 2013. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước mới trong lịch sử lập hiến của nước ta. Tất cả các bản Hiến pháp đều thể hiện nguyên lý, tinh thần của một dân tộc khát khao sống trong độc lập, tự do. Điều này được quy định tại Điều 1, Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2001): “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ...”. Điều 2: “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân...”. Thực hiện sự công bằng của mọi người dân trước pháp luật cũng là thực hiện mục tiêu dân chủ mà Tuyên ngôn độc lập đã nêu.
 
Thứ hai, Tuyên ngôn độc lập góp phần vào luật pháp quốc tế về phạm trù quyền dân tộc cơ bản.
 
Nếu như trong các bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần nói đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự nhạy cảm, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ, phủ nhận, đó là quyền của các dân tộc.
 
Giáo sư Sin-gô Si-ba-ta (người Nhật Bản) đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Theo Người, quyền con người và quyền dân tộc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm quyền con người và ngược lại, thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc. Người từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
 
Trong thời đại ngày nay, bảo vệ quyền con người gắn liền với những mục tiêu lớn của loài người, đó là hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu... Vì thế, nếu một dân tộc không có chủ quyền thì con người không thể có có tự do, do đó, tư tưởng độc lập dân tộc, tự do, dân chủ cho Nhân dân, quyền của con người trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 còn nguyên giá trị. Năm 1993, Liên hiệp quốc ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, xác định rõ quyền dân tộc tự quyết là một quyền con người. Tuyên bố này cũng có đoạn nhấn mạnh: “Việc khước từ quyền dân tộc tự quyết là sự vi phạm nhân quyền”. Viện dẫn lại những văn bản pháp lý về nhân quyền của Liên hiệp quốc để thấy rõ giá trị có ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam, càng thấy được đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng quyền con người, quyền dân tộc vào xây dựng những chuẩn mực pháp lý về nhân quyền của nhân loại không chỉ trong thế kỷ XX mà còn cho cả tương lai.
 
Thứ ba, về lịch sử - chính trị: Nhìn lại lịch sử phát triển của nhân loại, năm 1776 có bản Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa ở Bắc Mỹ đấu tranh để giành độc lập, tự do cho Nhân dân Mỹ lúc bấy giờ. Năm 1789 có bản Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của Pháp khẳng định thắng lợi của cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến. Sau Cách mạng Tháng Mười Nga thành công năm 1917 có bản Tuyên ngôn về quyền của Nhân dân lao động. Bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam mở đầu cho thời kỳ các nước thuộc địa vùng lên giành độc lập, làm tan rã chế độ thực dân cũ.
 
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bản Tuyên ngôn độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức; đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới của đất nước. Với Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và với thế giới về sự khai sinh của Nhà nước Việt Nam mới, biểu dương lực lượng và ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững nền độc lập, tự do của mình. Trên thế giới, nhiều dân tộc chịu ách đô hộ, thống trị của chủ nghĩa thực dân đế quốc hàng chục năm, đã vùng dậy giành được độc lập tự chủ, nhưng không phải dân tộc nào cũng có được Tuyên ngôn độc lập. Với địa vị hợp pháp, Việt Nam có vinh dự là một trong rất ít quốc gia, sau cách mạng, có được một bản Tuyên ngôn nổi tiếng về quyền các dân tộc, có giá trị đóng góp vào sự phát triển pháp lý tiến bộ của nhân loại.
 
Thứ tư, về ngoại giao: Tuyên ngôn độc lập nói rõ tội ác của thực dân Pháp, song đã thể hiện lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam qua một đoạn: “Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo...”. Một đoạn khác thể hiện sự tin tưởng các nước đồng minh sẽ công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng các nước đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Tê-hê-răng và Cựu Kim Sơn quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam”. Đây là một sự mềm dẻo, khéo léo trong tư tưởng ngoại giao theo phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
 
Thứ năm, về nghệ thuật: ở đỉnh cao của văn chương chính luận Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập có hơn một nghìn từ, song đã thể hiện nghệ thuật sử dụng ngôn từ, cách viết tuyệt vời. Trong số những từ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng, có từ chỉ xuất hiện một lần, có từ xuất hiện nhiều lần, dùng cả Hán Việt, thuần Việt. Ví dụ từ “rước”, theo Đại từ điển Tiếng Việt thì “rước” là đón về một cách trang trọng, theo lễ nghi. Tuy nhiên, bên cạnh sự trang trọng thì từ “rước” còn bao hàm cả hành động xun xoe, nịnh nọt... ở trong những tình huống cụ thể. Điều này được thể hiện ở câu: “Bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”. Trong câu này có hai từ “mở” và “rước”, phải chăng đó là bản chất của bọn thực dân khi ở vào thế yếu.
 
Trong đoạn cuối của bản Tuyên ngôn độc lập, chỉ với từ toàn thể,... quyết đem tất cả... đã là lời kêu gọi sự đoàn kết cao, khí thế ngút trời và sẵn sàng hy sinh của cả dân tộc vì mục đích cao cả. Một câu trong áng văn bất hủ của Bác Hồ đã hun đúc được ý chí, sức mạnh của cả một dân tộc.
 
Về ý nghĩa thời đại: Tuyên ngôn độc lập có nội dung ngắn gọn, cô đúc nhiều tư tưởng, trong đó các quyền dân tộc cơ bản vượt qua thời gian và không gian. Nó không phải chỉ riêng cho Việt Nam mà là một xu thế tất yếu của thời đại. Tuyên ngôn độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột giành lại quyền sống, quyền độc lập, tự do.
 
77 năm đã qua, nhưng mỗi lần đọc lại, chúng ta vẫn thấy rõ sức sống và vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa thời đại của Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và giọng nói ấm áp của Bác Hồ vẫn vang vọng đâu đây: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
 
KHUẤT MINH PHƯƠNG
(nguồn: baolamdong.vn)

Tác giả bài viết: admin1-Hùng Vương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây